Pages

Thursday, 12 November 2015

“Thứ đó ăn dở ẹc, có cho cũng không lấy”

Tôi bảo Gò Công thì thiếu gì mắm còng lột, trên mạng cũng bán đầy, thế nhưng vợ tôi vẫn bảo lưu ý kiến: “Thứ đó ăn dở ẹc, có cho cũng không lấy”.

Sáng chủ nhật trước, bà xã tôi đang dọn dẹp tủ lạnh bỗng kêu “Á…”. Tôi hết hồn chạy vô coi cô ấy bị gì thì thấy mặt bà xã hớn hở, trên tay cầm cái keo thủy tinh đưa lên trước mặt ngắm nghía. Hiểu luôn.
Cách nay hơn 1 tháng, dì út của bà xã tôi lên Sài Gòn khám bệnh có mang cho hai vợ chồng hủ mắm còng lột. Vì là đồ quý hiếm nên tụi tôi ăn nhín nhín, mỗi bữa cơm chỉ dám lấy ra khoảng chục con. Ăn gần hết thì bà xã tôi giảm tiêu chuẩn, mỗi bữa chỉ cho ăn 2 con.

Ai đã từng ăn mắm còng lột thì biết cái con mắm nó nhỏ chỉ bằng ngón chân cái, có con còn nhỏ hơn, vậy mà bà xã tôi chỉ cho ăn có 2 con thì biết cô ấy trùm sò đến cỡ nào! Tôi hay cằn nhằn nhiêu đó ăn chưa đủ nhét kẻ răng, nhưng bà xã kiên quyết không cho ăn lố chế độ: “Ăn hết mai mốt thèm lấy gì ăn?”. Tôi bảo Gò Công thì thiếu gì mắm còng lột, trên mạng cũng bán đầy, thế nhưng vợ tôi vẫn bảo lưu ý kiến: “Thứ đó ăn dở ẹc, có cho cũng không lấy”.

 “Thứ đó ăn dở ẹc, có cho cũng không lấy”

Chính vì cái sự ăn nhín, hà tiện ấy mà khi hủ mắm sắp hết, bà xã tôi giấu biệt, sau đó quên luôn, tới giờ khi dọn dẹp tủ lạnh mới phát hiện. Vậy là tụi tôi có một bữa cơm ngon… chưa từng thấy trong buổi sáng chủ nhật trời mưa lâm râm ấy.

Sau khi trút hết mắm trong hủ ra cái chén, vợ tôi bắt đầu cầm đôi đũa gắp từng con mắm vàng ươm, thơm phức để qua một bên chén rồi… đếm. Tất cả được 19 con. Xong cô ấy gật gù: “Bữa nay chơi sang, ăn hết luôn vì để lâu nữa không ngon. Em 9, anh 10”.

Nói rồi bà xã bảo tôi bắt nồi cơm, còn cô ấy đi chợ. Thịt ba rọi, rau sống, chuối chát, khế chua được mang về. Có người bảo mắm còng ăn với canh chua cũng rất ngon, nhưng tôi và bà xã chỉ thích ăn không với cơm nóng hoặc cuốn thịt luộc, rau sống rồi chấm mắm.

Chuẩn bị xong mọi thứ, bà xã tôi cẩn thận lấy kéo cắt con mắm làm tư rồi trộn thêm tỏi, ớt, chanh và chút nước mắm nhĩ “cho có nước để chấm”. Thịt ba rọi luộc được xắt mỏng tanh; chuối, khế cũng xắt mỏng lét với lý do “ăn ít mới ngon” như quan điểm của bà xã tôi.

 “Thứ đó ăn dở ẹc, có cho cũng không lấy”

Nói thiệt tình, có lẽ không ai có cách ăn… lạ đời như bà vợ quê gốc Gò Công của tôi. Cô ấy lấy một lá rau xà lách đặt gọn trong chén; sau đó mới thêm rau thơm, tía tô, kinh giới, hún quế… mỗi thứ 1 lá; tiếp theo là chuối chát, khế chua, một chút cơm rồi tới lát thịt ba rọi và cuối cùng gắp một góc tư con mắm còng để lên. Xong đâu đó, vợ tôi túm chiếc lá rau xà lách lại, há miệng thật to rồi cho tất cả vào miệng. Sau đó hai mắt cứ lim dim, nhai chầm chậm, chầm chậm… Nói thiệt tình, ngay cả lúc vợ chồng gần gũi, vợ tôi chắc cũng mãn nguyện đến thế là cùng.

Nói ra thì nhiều người có thể cho là nói quá chớ thật tình là cái món mắm còng lột của họ hàng bên vợ tôi ở miệt biển Gò Công nó ngon không thể tưởng tượng nổi. Tôi là dân xứ nước ngọt Cần Thơ, hồi nhỏ ở quê cũng biết con còng nhưng chỉ thấy người ta bắt về bằm nhỏ cho gà vịt ăn chớ chẳng ai ăn “ba cái đồ quỷ đó”. Sau này lấy vợ, được vợ dẫn về quê cho ăn đủ thứ, tôi mới biết trên đời này có một thứ mắm tên gọi mắm còng ngon đến tê lưỡi.

Còng thuộc họ hàng nhà cua, cũng có tám cẳng hai càng nhưng nhỏ hơn cua và cái càng của nó có góc cạnh, sần sùi chứ không trơn láng như cua. Trong suy nghĩ của tôi, còng thì con nào cũng như con nào nhưng với cô vợ tôi thì không phải vậy. Còng đỏ, còng nha, còng quều, còng xanh, còng gió, còng ba khía… trong đó còng đỏ làm mắm ngon nhất.

 “Thứ đó ăn dở ẹc, có cho cũng không lấy”

Mắm còng thì có nhiều loại nhưng tôi “kết” nhất là mắm còng lột vì ăn được “cả cái, lẫn nước” và đó mới chính là đặc sản xứ Gò. Mẹ vợ tôi kể, còng lột mỗi năm một lần vào khoảng tháng 5 âm lịch.
Chúng bò lên khỏi hang, nằm trên mặt bùn, dưới gốc ô rô, cóc kèn rồi từ từ lột xác. Người có kinh nghiệm sẽ biết lúc nào còng vừa lột vỏ xong để “hốt” về. Phải canh đúng lúc, nếu không chỉ vài tiếng đồng hồ sau là vỏ còng lại cứng như trước và chúng sẽ bò xuống hang.

Có nhiều cách làm mắm còng lột nhưng có lẽ tôi hơi thiên vị nên thấy mắm còng của mẹ vợ, dì vợ, cô vợ, chị vợ… là ngon nhất. Riêng vợ tôi thì chỉ biết… ăn và nói vanh vách về mặt… lý thuyết chứ chưa bao giờ tự tay làm ra một hủ mắm còng hoàn chỉnh.

Theo lý thuyết… của vợ tôi thì còng lột đem về rửa nhẹ tay với nước muối cho thật sạch, không cần gỡ yếm làm gì vì toàn thân con còng lột rất sạch sẽ. Rửa xong thì để còng cho ráo nước rồi trộn một ít rượu trái sơ-ri vào. Nước mắm ngon nấu sôi cho chút đường rồi để nguội. Ớt sừng trâu bỏ hột hấp chín, quết nhuyễn. Một trong những gia vị quan trọng nhất là tỏi vì ngoài tác dụng làm cho con mắm thơm ngon thì tỏi chính là yếu tố làm cho “chín” con mắm.

Công thức của vợ tôi là cứ 5 chén còng thì 1 chén tỏi. Một nửa tỏi lột vỏ rồi xay nhuyễn vắt lấy nước, nửa còn lại nướng chín, lột vỏ rồi quết nhuyễn. Đặc biệt, như nhiều loại mắm khác, để mắm còng nhanh chua thì phải có thêm chút thính đậu nành. Chưa hết, muốn có một hủ mắm còng ngon thì cần phải tìm cho được một nắm lá chùm ruột non rửa sạch để ráo.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ mọi thứ thì trộn chung tất cả với còng lột. Trộn nhẹ tay và thật đều, sau đó lấy keo thủy tinh, lót một lớp lá chùm ruột dưới đáy rồi xúc hỗn hợp còng trộn gia vị cho vào keo. Cứ vài lớp còng thì lại có một lớp lá chùm ruột, cứ vậy cho tới khi hủ mắm đầy, trên cùng là lá chùm ruột. Xong đâu đó thì lấy vài thanh tre vót mỏng cài chặt miệng keo cho mắm đừng nổi lên. Nếu nắng tốt thì phơi chừng 1 tuần là mắm đã chín. Lúc đó con mắm có màu đỏ vàng như mật ong, mở nắp keo mắm ra là thơm… bể lỗ mũi.

Với cách làm này thì mắm đem ra là ăn liền, không cần trộn thêm bất cứ thứ gì hoặc nếu thích thì có thể thêm ớt, tỏi. Tuy nhiên, phải bảo quản mắm trong tủ lạnh và ăn nhanh trong vòng 1 tháng, nếu không mắm sẽ chua và có mùi rượu, không ngon. Nếu muốn để lâu, người ta cho nhiều đường và không trộn thính nhưng khi ăn phải thêm gia vị.

Tôi không biết mình hên hay xui khi cưới trúng cô vợ miệt biển Gò Công nhưng nói thiệt tình là từ khi quen nàng, tôi đã được mở mang rất nhiều. Ngoài mắm còng lột thì còn mắm còng… không lột và nhiều đặc sản trứ danh của xứ Gò mà có lẽ hết cuộc đời này tôi cũng không khám phá hết.

“Anh mới về một lần, làm sao biết hết mà khen?”

“Con gái Long Xuyên rất đẹp”- tôi trả lời không cần suy nghĩ. Em cười: “Anh mới về một lần, làm sao biết hết mà khen?”. Nhưng tôi vẫn quả quyết như vậy.

Hôm nhận được tin Út Huệ lấy chồng, tôi bần thần cả buổi. Vậy là em đã không chờ tôi về để làm món cá cơm mờm kho me cho tôi ăn mỗi ngày như đã hứa. Mà suy cho cùng lỗi này cũng tại tôi. Con cá cơm mờm cũng chỉ có mấy tháng trong năm; còn con gái người ta cũng có thuở, có thì, làm sao mà tôi cứ bắt chờ đợi mãi?
 
Tôi nhủ lòng như vậy để tự an ủi mình, để vơi đi những thiếu vắng mà tôi cảm nhận rõ hơn khi người con gái mình yêu đi lấy chồng.

Tôi gọi điện cho Tư Hùng, anh trai kế của Út Huệ: “Sao ông hứa gả em gái cho tui mà bây giờ lại gả cho thằng khác?”. Tư Hùng cười hề hề: “Ai biểu mày đi hoài, cứ lo chuyện trên trời, dưới đất, làm sao mà con út nó chờ được? Thôi, để tao kiếm đứa khác tao đền. Mà mày có kịp về ăn đám cưới nó không?”.

Lúc đó tôi đang dự khóa huấn luyện 6 tháng ở nước ngoài không về được. Đúng hôm đám cưới Út Huệ, tôi trùm mền, bỏ ăn. Tôi nhớ cô gái Long Xuyên có nước da trắng hồng như thiếu nữ Đà Lạt mà mình đã biết cách nay 12 năm khi đi thực tập. Hồi đó Út Huệ mới 16 tuổi. Lần đầu tiên khi Tư Hùng dẫn tôi về nhà chơi, đang ăn cơm, thấy Út Huệ đi học về, tôi bần thần đánh rơi cả đũa.

“Anh mới về một lần, làm sao biết hết mà khen?”

Trong suy nghĩ của tôi, con gái miền Tây thường có khuôn mặt tròn trịa, nước da ngăm ngăm, đi đứng nặng nề, nói năng rổn rảng. Ấy vậy mà khi gặp Út Huệ thì mọi thứ lại đảo ngược. Ngoài nước da trắng hồng, cô bé có dáng đi nhanh nhẹn; giọng nói trong veo, nhẹ nhàng. “Nó là cục vàng của ông bà già, có bắt mần mụn gì đâu mà biểu đen đúa, xấu xí?”- Tư Hùng giải đáp thắc mắc của tôi.

Tuy là con cưng nhưng Út Huệ rất giỏi nữ công gia chánh. Ngay hôm sau tôi đã được thử tài của em với món cá cơm mờm kho me. “Nó để cho tụi mình đói meo mới cho ăn, cái gì mà không ngon?”- Tư Hùng lại phản bác khi tôi khen cô em gái của anh nấu ăn ngon.

Cái đó cũng có phần đúng nhưng bữa cơm trưa hôm đó ngon thiệt chớ không phải tôi khen để lấy lòng. Trên bàn ăn có mấy món nhưng tôi hầu như chỉ ăn món cá cơm kho me lạ miệng mà thằng con trai lớn lên ở đất cao nguyên như tôi chưa bao giờ được ăn.

“Anh mới về một lần, làm sao biết hết mà khen?”

Tôi nhớ hôm đó là chủ nhật. Khoảng 8 giờ sáng, tôi và Tư Hùng đi uống cà phê ở chợ xã về thì Út Huệ đi ruộng cũng vừa về tới, tay cắp một rổ đầy với đủ thứ rau: bông súng, rau ngổ, rau cần, hẹ nước, cải trời, rau mác, kèo nèo… có thêm mấy cái bắp chuối xiêm và chùm me chín.

Em đặt cái rồi xuống, bảo tôi: “Mấy anh ở không thì lặt rau dùm em”. Nói rồi cô út lại lấy cái rổ quày quả đi. Tôi chạy theo: “Đi đâu, cho anh đi với?”. Út Huệ cười: “Em đi đón ghe đáy”. Tôi nghe cái từ “ghe đáy” thấy lạ lạ nên càng quyết liệt đòi theo. Hai đứa tôi đi ra bờ sông ngồi chờ. Con sông Tiền rộng mênh mang, xa xa có những chấm đen đen mà Út Huệ nói đó là các trụ đáy. Người ta giăng lưới ngoài đó. Lát nữa họ sẽ mang cá vô bờ bán.

Chẳng biết sao tôi lại mong người ta lâu lâu hãy mang cá vô bờ. Bởi với thằng con trai 22 tuổi như tôi, được ngồi cạnh một nàng tiên như Út Huệ thì thời gian dài bao nhiêu cũng thấy ngắn. “Chắc anh Trung chưa bao giờ về miền Tây hả?”- Út Huệ ngước cặp mắt đen thui nhìn tôi. Tôi trả lời đã về vài lần và thấy miền Tây mỗi nơi có vẻ đẹp riêng. “Vậy chớ về Long Xuyên, anh thấy thế nào?”- cô bé tinh nghịch nhìn tôi.

“Con gái Long Xuyên rất đẹp”- tôi trả lời không cần suy nghĩ. Chính lúc đó, tôi thấy hai má Út Huệ đỏ hồng như một minh chứng cho nhận xét của mình. Em cười: “Anh mới về một lần, làm sao biết hết mà khen?”. Nhưng tôi vẫn quả quyết như vậy.

Không chỉ đẹp mà Út Huệ còn giúp tôi “nâng cao nhận thức” về “công, dung, ngôn, hạnh” của các cô thiếu nữ miền Tây. Chỉ với mấy con cá cơm nhỏ xíu bằng đầu tăm mà Út Huệ đã cho tôi cảm giác được thưởng thức đỉnh cao của nghệ thuật ăn uống.

Con cá cơm mờm là cá cơm đầu mùa. Khoảng tháng ba âm lịch, các ghe đáy bắt đầu vào vụ cá cơm mờm. Khi nghe Út Huệ nói lưới dùng để bắt cá cơm mờm “khít như vải mùng”, tôi lo lắng: “Như vậy thì bắt hết cả cá mẹ, lẫn cá con, mai mốt hết cá lấy gì bắt nữa?”. Cô bé lắc đầu: “Em không biết nhưng làm sao mà hết được?”.

“Anh mới về một lần, làm sao biết hết mà khen?”

Rồi em nói bằng chứng là năm nào tới tháng, tới ngày cũng có cá cơm mờm. “Con nước sau cá lớn một chút thì phải cắt bỏ lườn, nếu không ăn sẽ mắc cổ”- Út Huệ nói với tôi khi hai đứa ngồi ở sàn nước rửa cá. Những con cá nhỏ xíu, màu hồng nhạt, có cảm giác phải rất nhẹ tay khi rửa, nếu không nó sẽ nát nhừ.

Món cá cơm mờm kho me của Út Huệ rất đơn giản. Em chặt trái dừa xiêm cho vô nồi bắt lên bếp rồi lột mấy trái me chín bỏ vô. Vừa lột me, em vừa giải thích: “Me này ba để dành cho mấy đứa bạn em mỗi lần về chơi có cái để ăn nên không hái xuống. Cứ để trên cây tới tháng tư, tháng năm cũng chưa bị hư”.

Khi nước dừa và me sôi lên, Út Huệ cho thêm cọng hành lá đập dập, mấy trái ớt sừng còn xanh, chút bột ngọt, nước màu, sau đó cho cá vào. Đợi nồi cá sôi trở lại, vớt bọt rồi tắt lửa, cho hành lá, nước mắm vào nêm nếm cho vừa ăn.

Cá cơm kho me múc ra tô, lấy đũa dầm cho trái ớt nát nhừ. Ngửi mùi cá kho, nhìn các sắc màu trong tô cá, tôi có cảm giác từng đàn kiến đang cắn rát trong bụng. Tư Hùng lấy cái ruột bắp chuối trắng nõn đưa cho tôi: “Chấm nước cá ăn thử coi”. Tôi cho miếng bắp chuối đập dập vào tô cá, kẹp thêm mấy con cá rồi đưa lên miệng. Cảm giác chát chát, chua chua, ngọt ngọt, cay cay… hòa lẫn vào nhau khiến tôi có cảm giác mình đang ăn một thứ gì đó chưa từng trải qua trong đời. Những lần sau, tôi lấy các thứ rau gói lại rồi chấm nước cá. Lại nhắm mắt, nhai, nuốt… “Anh ăn thử cá cơm lăn bột chiên đi”- Út Huệ nhắc.

Nhưng tôi chỉ chăm chăm một món. Nói ra thì kỳ và có vẻ như mình lần đầu tới nhà người ta mà để lại ấn tượng không tốt vì cái tật tham ăn, nhưng mà tôi phải công nhận là cái món cá cơm mờm kho me nó rất giản dị nhưng lại thơm ngon đến bất ngờ. Tôi không biết mình có thiên vị hay không chứ mấy hôm ở nhà, món gì Út Huệ làm, tôi cũng thấy ngon. Ngay cả cái việc cô bé cẩn thận vắt chanh vào miếng bắp chuối đập dập để giữ cho bắp chuối không bị thâm đen, tôi cũng nhận ra cái tinh tế trong đó.

12 năm đã qua. Tôi ra trường, đi học, đi làm, ra nước ngoài học tập, công tác nhưng mỗi lần có dịp là tôi lại về Long Xuyên. Đúng mùa thì được ăn cá cơm mờm kho me, sớm hoặc muộn thì được ăn những thứ khác. Tôi nhận ra tình yêu thương Út Huệ dành cho tôi, nỗi nhớ mong khắc khoải trong đôi mắt đau đáu đợi chờ. Chỉ duy nhất một điều tôi không nhận ra, thời gian là một thứ thuốc độc vô hình. Tôi cứ đi, còn Út Huệ thì không thể cứ đợi chờ…

Hôm nay bỗng dưng tôi nhớ Út Huệ là bởi anh Tư Hùng vừa gọi điện bảo tôi về ăn cá linh đầu mùa. Chắc hẳn là anh đã kiếm được cho tôi một cô gái khác như đã hứa. Tôi hẹn vài bữa nữa sẽ về. Không biết lần này, người kho cá linh cho tôi ăn có ngon như món cá cơm mờm kho me của Út Huệ hay không?

Thôi thì chứ trông chờ vào duyên phận vậy…

Mùa lũ đi ăn điên điển tép rong

Khi dân du lịch nô nức kéo nhau đi du hí mùa nước nổi chúng tôi lại kéo nhau về nhà dì tư chỉ để ăn cho được món điên điển tép rong. Cái món gì đâu chỉ có rau là rau mà năm nào không được ăn lại thấy mình như bị trời bạc đãi

Năm nào cũng vậy, cứ tới mùa nước lũ về bạn lại rủ về quê ngoại ở Sa Đéc (Đồng Tháp) chơi. Bà con giờ chẳng còn ai, chỉ còn những người hàng xóm ngày xưa nhưng tình như ruột thịt. Tiếng là về chơi nhưng cả đám chẳng đi đâu mà suốt ngày quanh quẩn nơi xó bếp với người dì, nấu ăn ngon “đệ nhất thiên hạ”.

Chiều, lúc chạy dọc bờ sông nước dâng trắng xóa, thấy bông súng trắng nhấp nhô, thấy điên điển vàng lé đé, tụi tôi đã nuốt nước miếng ừng ực nên vừa xông vào nhà, bạn tôi đã níu áo dì tư, thật thà: “Dì tư ơi, tiếng là con về thăm dì nhưng chủ yếu chỉ để ăn món điên điển trộn tép rong của dì thôi”. Dì tư cười ha hả: “Tổ cha mày, mai tao đi chợ quơ hết về cho mà ăn”.

Sớm mai thức dậy, xuống nhà bếp đã thấy rổ điên điển vàng ươm và rổ tép rong tươi tanh tách để dựa gốc dừa; dì tư thì ngồi ở sàn nước, lia tay tước bông súng. “Tao đi chợ thấy bông súng trắng ngon quá, tiện tay mua một mớ về bóp gỏi cuốn chung, bông súng mùa này mềm, ngọt lắm”. Rồi dì phân công luôn, đứa lặt rau sống; đứa đâm tỏi ớt, bằm thơm; đứa ra vườn hái chanh...

Qua bàn tay chế biến của dì tư, món nào cũng ngon đệ nhất thiên hạ
Qua bàn tay chế biến của dì tư, món nào cũng ngon đệ nhất thiên hạ 

Tôi vốn là đệ tử ruột của món mắm nêm nên giành phần pha nước chấm. Sau khi bằm nhỏ một mớ tỏi ớt, tôi để dành dì tư một nửa để trộn gỏi, phần còn lại trộn vào thơm, bằm lại một lần nữa cho thật nhừ. Thơm làm gỏi cuốn phải chọn loại chín hườm hườm để còn chút vị chua. Nắm nêm loại đã pha sẵn đóng chai vẫn còn rất mặn nên phải pha thêm nước chút nước sôi, đường và một chút bột ngọt dằn lại. Đang hái chanh ngoài vườn, thằng bạn nói vói vào: “Bà nhớ lấy rây lọc xác mắm nêm, bằm thơm cho nhuyễn để tui vừa chấm vừa húp nghen”. Vừa đảo nhanh tay chảo tép rong trên bếp sao cho con nào con nấy đỏ au nhưng vẫn còn căng mọng, dì tư rầy: “Đem chanh vô lẹ lên để dì còn bóp gỏi”.

Nước trộn gỏi phải đích thân dì tư làm, ngoài những gia vị cơ bản như đường, nước mắm, tỏi, ớt, chanh, dì còn gia thêm một chút hành phi dầu ăn giòn tan cho thơm. Tép được chia làm 2 phần, một trộn với điên điển, 1 trộn với bông súng.

Trong khi dì tư ngồi đảo liên tục 2 thau gỏi cho thấm thì chúng tôi sắp xếp rau, bánh tráng, bún, chén đũa lên bộ ván dựa hiên nhà. Khi thấy những cọng bông súng giòn tan đã dịu lại, những bông điên điển vàng ươm đã ngả màu vàng đậm, dì cho ra dĩa lớn, rắc lên chút rau răm và tuyên bố nhập tiệc.

Bữa trưa mát rượi trên bộ ván sau hè
Bữa trưa mát rượi trên bộ ván sau hè 
 
Lót một ít rau lên bánh tráng, gắp một đũa gỏi trải đều, điểm thêm ít bún và cọng hẹ gấp đôi, những đôi tay háu ăn của chúng tôi cứ thoăn thoắt cuốn, chấm, cắn rào rạo. Vị chua của gỏi, vị ngọt béo rất nhẹ của tép rong, một chút thanh tao của bún làm cái mặn đậm đà của nắm nêm bỗng dịu lại trên đầu lưỡi.

Gỏi cuốn là cái món “tay làm hàm nhai” nên ăn hoài không thấy ngán. Chỉ đến khi tô mắm nêm vơi dần thì cả bọn mới nhận ra bụng đã lặc lè.

Trưa nắng trong veo, gió miền Tây mát rượi làm mi mắt đứa nào cũng nặng trịch. “Tụi bây lo đi ngủ đi để chiều chạy xe ngủ gục. Còn mớ điên điển với tép, để tao bắc nồi cơm, nấu nồi canh chua, xào mặn mớ tép để xế xế ngủ dậy ăn xong rồi hãy về” - dì tư mở lời và lập tức được những cái miệng háo ăn dạ ran đáp lại.

Giờ tôi chỉ thèm được ăn cơm hến với mẹ mà có được đâu...

Hồi nhỏ, hở một cái là tôi giận dỗi, cằn nhằn, trách móc sao mẹ không cho anh em tôi cuộc sống sang giàu... Giờ đây, tôi chỉ thèm được ăn cơm hến với mẹ mà có được đâu...

Hồi nhỏ, mỗi lần mẹ dọn cơm, thấy có dĩa hến trên bàn là tôi phụng phịu: "Lại hến!". Mẹ tôi dỗ dành: "Ráng ăn để có sức đi học. Chừng nào có tiền, mẹ mua thịt heo cho ăn".
 
Tôi hiểu cái "chừng nào" của mẹ có khi là 1 tháng, cũng có khi là 3 tháng nên bỏ lơ. Tôi cũng hiểu, ngày mai, ngày mốt, bữa cơm của mấy mẹ con nếu không phải ốc hến thì cũng là tép rong chấy, cá bống kho tiêu mặn quéo lưỡi. Nhưng phải công nhận, tôi cao 1,65 m cũng là nhờ những bữa cơm ốc hến của mẹ ngày thơ bé. Hến kho, hến xào hành lá, hến xào sả ớt, hến rang me cuốn bánh tráng, hến nấu canh mướp, bánh canh hến và sau này mẹ tôi còn có món mắm hến "hôi rình, thúi hoắc" mà không ở đâu có, đúng hơn là chẳng ai làm.

Giờ tôi chỉ thèm được ăn cơm hến với mẹ mà có được đâu...

Nhà tôi ở đầu cồn. Hến thì quanh năm lúc nào cũng có. Mùa nước cạn sau Tết, thỉnh thoảng tôi hay xách rổ theo chị tư đi bắt hến. Những con hến nằm chi chít trên bãi, chỉ cần lấy ngón tay trỏ vít lên là bắt. Tuy nhiên, bắt hến kiểu này chỉ là bắt chơi cho vui chớ không có nhiều. Muốn bắt nhiều phải ra sâu dưới nước, cào đất vô cái rổ xúc, sau đó đãi bùn, còn lại hến. Mỗi lần đãi được cả chén hến.

Mỗi con nước, chị tư với anh ba đãi được cả giạ hến, lớp người ăn, lớp cho vịt ăn. Biết tôi ngán nên lần nào bắt hến về, anh ba cũng lựa những con "hến chúa" để riêng làm món hến rang muối cho tôi. Đó là những con hến bự nhất, có con bằng ngón chân cái.

Giờ tôi chỉ thèm được ăn cơm hến với mẹ mà có được đâu...

Nói "hến rang muối" cho sang vậy chớ thật ra chỉ là bỏ mấy con hến vô chảo, cho thêm mấy hột muối, đậy nắp lại bắt lên bếp. Làm món này được cái rất nhanh, chỉ tích tắc là hến mở mắt, những con hến mập thù lù, trắng phau, tôi lấy cái gai quýt, ghim từng con bỏ vô miệng. Anh ba ngồi kế bên nhìn tôi ăn chảy nước miếng nhưng không dám xin bởi trong một rổ xúc hến, chỉ lựa ra được chừng một tô "hến chúa".

Ở đời cái gì thừa thãi thì chẳng có giá trị, cũng như con hến đối với tuổi thơ tôi. Sau này khi tôi lớn lên, có lẽ do người ta bắt nhiều quá nên hến cũng ít dần. Tôi đi học trên thị xã, mỗi lần về, anh ba lại xách cào ra ngã ba sông lặn cào hến về để mẹ nấu bánh canh cho tôi ăn. Thế nhưng trong các món hến của mẹ, tôi thích nhất là món mắm hến, sản phẩm của những ngày nghèo khó. Sau này lớn lên, tôi ít thấy mẹ làm, tôi hỏi thì mẹ cười: "Hồi đó thấy tụi con ăn riết ngán quá nên làm bậy bạ chớ có ai chỉ dạy đâu?".

Giờ tôi chỉ thèm được ăn cơm hến với mẹ mà có được đâu...

Đúng là cái khó làm ló cái khôn. Cạnh nhà tôi có bác hai làm nghề đi buôn đường dài. Trong một chuyến buôn hàng ra miền Trung, bác hai đem về cho mẹ tôi hủ mắm sò. Hôm đó anh ba nhấp được mấy con cá lóc, mẹ quyết định không bán mà để lại nướng trui cho anh em tôi cuốn bánh tráng chấm mắm sò "ăn cho đã một bữa".

Hôm đó tôi để ý thấy mẹ cứ cầm hủ mắm sò lên săm soi. Kết quả là chừng một tháng sau, mẹ tôi cho "ra lò" một món mới trong họ hàng nhà hến: mắm hến. Nói thật, lúc đầu tôi không chịu nổi cái mùi "thúi hoắc, hôi rình" của món mắm kỳ khôi ấy.

Giờ tôi chỉ thèm được ăn cơm hến với mẹ mà có được đâu...

Mãi đến khi chỉ còn lại một chút dưới đáy hủ, mà hôm đó nhà cũng không còn gì ăn, sẵn anh ba đi chao được mớ tép tong, mẹ hấp lên để cuốn bánh tráng, tôi mon men gắp một con tép nhỏ xíu bằng cái đầu tăm nhang chấm vô chén mắm, dè dặt đưa lên miệng. Tôi nhằn nhằn con tép bằng mấy cái răng cửa chớ không phải nhai bằng răng hàm. Cái vị cay cay, chua chua, ngọt ngọt bắt đầu kích thích tuyến nước bọt. Tôi tiếp tục gắp một đũa tép bỏ vô cái lá đậu rồng gói lại, chấm mắm, nhai, nuốt. Lần sau nữa, tôi thêm mấy cọng hành luộc cuốn chung với tép... "Ê nhỏ, ăn từ từ, làm gì dữ vậy, mắc cổ bây giờ". Anh ba lấy đũa gõ gõ vô chén mắm. Tôi chu mỏ: "Mấy bữa trước em đâu có ăn?".

Mẹ tôi chỉ làm mắm hến mỗi năm vài lần vì mẹ nói ăn mắm nhiều không tốt. Chính vì vậy mà cái sự "quý, hiếm" của mắm hến càng được tăng lên gấp bội phần. Mẹ lựa những con "hến chúa" ngâm với ớt một đêm cho nhả hết bùn, sau đó ngâm lại với nước muối chừng 1 giờ rồi lấy dao tách vỏ ra, chỉ lấy phần vỏ hến có dính ruột.

Giờ tôi chỉ thèm được ăn cơm hến với mẹ mà có được đâu...

Xong đâu đó, mẹ trộn đều hến với muối hột. Tỏi, ớt đâm nhuyễn; củ riềng xắt sợi thật nhuyễn. Tất cả cho vô trộn chung với hến. Đặc biệt, làm món mắm hến, tôi thấy mẹ cho rất nhiều tỏi, một keo mắm nhỏ mà tới 1 chén tỏi. Sau khi trộn chung các thứ, mẹ cho vô keo, gài chặt rồi đậy nắp thật kỹ, có 2-3 lớp bọc ni lông đậy ở trên.

Hủ mắm được đem phơi nắng. Ngày nào tôi cũng thấy mẹ cầm hủ mắm dốc ngược thật nhanh mấy lần, nói là để cho mắm ngấm đều, không bị trở. Chừng 1 tháng thì mắm ăn được. Mỗi lần ăn, mẹ chắt lấy chừng nửa chén cái thứ nước "đen thui, thúi hoắc, hôi rình" đó trộn thêm chanh, đường, khóm; thêm tỏi, ớt tươi cho thơm.

Tôi nhớ có lần xóm dưới có người làm heo, mẹ mua đồ lòng và thịt ba rọi về luộc. Hôm đó đối với anh em tôi đúng là đại tiệc. Anh ba hái về một thúng rau, nào là cải trời, cải đất, ngò gai, tía tô, đọt chiết, đinh lăng, lá lụa, húng quế, lá đậu rồng non, rau tai tượng...

Anh em tôi ăn thật khí thế, chẳng mấy chốc mà mọi thứ đã hết veo. Đến lúc đó, mẹ tôi mới nói: "Tụi con biết bữa nay là ngày gì không? Là ngày mẹ cuốn quần áo trốn ngoại theo ba. Hồi đó ngoại bắt gả mẹ cho con ông ghe chài trên Châu Đốc, mẹ không chịu vì đã hứa thương ba...".

Năm đó tôi 12 tuổi. Lần đầu tôi nghe mẹ nói nhiều chuyện về ba như vậy. Chuyện tình yêu của ba mẹ nhiều trắc trở và kết thúc không có hậu vì ba ra đi quá sớm. Mẹ tôi đã ở vậy nuôi anh em tôi. Nhiều người muốn chắp nối nhưng mẹ không ưng ai cả. Và anh em chúng tôi đã lớn lên ở xứ cồn ấy trong tình yêu thương vô bờ bến của mẹ.
Giờ tôi chỉ thèm được ăn cơm hến với mẹ mà có được đâu...

Mãi sau này lớn lên, lấy chồng, sinh con tôi mới hiểu hết cái cực nhọc của mẹ khi một mình nuôi 4 đứa con sau khi ba tôi chết mất xác trong một lần bị chìm ghe ở Bắc Mỹ Thuận. Vậy mà hồi nhỏ, hở một cái là tôi giận dỗi, cằn nhằn, trách móc sao mẹ không cho anh em tôi cuộc sống sang giàu như đám bạn trong lớp.

Giờ tôi chỉ thèm được ăn cơm hến với mẹ mà có được đâu...

Tháp thực phẩm giúp cơ thể khỏe

Tháp thực phẩm giúp chúng ta nắm được cơ cấu thực phẩm cần cho cơ thể để biết cách ăn uống thế nào nhằm mang lại nhiều lợi ích nhất cho sức khỏe

Chúng ta đều hiểu rằng ăn uống đúng cách sẽ có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, thật khó biết điều gì làm thực phẩm trở thành bạn tốt cho sức khỏe cũng như loại thực phẩm nào chúng ta cần phải ăn.
 
Ăn sai, dễ mang bệnh
 
Trước hết, cần biết sự tiêu thụ quá mức hoặc quá ít một số chất nào đó sẽ dẫn tới bệnh tật. Có thể nhìn vào các dẫn chứng sau đây:

Trái cây, rau cải, đậu, bánh mì và ngũ cốc nằm trong nhóm thực phẩm nên ăn thường xuyên Ảnh: TẤN THẠNH
Trái cây, rau cải, đậu, bánh mì và ngũ cốc nằm trong nhóm thực phẩm nên ăn thường xuyên Ảnh: TẤN THẠNH 
 
Bệnh cao huyết áp (do cơ thể không đủ hoặc quá ít kali, kém hoạt động thể chất hoặc sử dụng quá nhiều muối ăn, uống nhiều rượu, bia...), ung thư vú (do ít cho con bú sữa mẹ, uống nhiều rượu bia, béo phì, thiếu hụt hormone sau mãn kinh), tim mạch (do ít vận động, ít tiêu thụ thực phẩm chứa omega 3, ăn quá nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa...), ung thư ruột (do ăn quá nhiều thịt đỏ, thịt qua xử lý như hun khói, muối..., uống nhiều rượu, bia...), loãng xương (do cơ thể thiếu canxi và vitamin D), thiếu máu (khi cơ thể không đủ sắt, folate, vitamin B12), ung thư miệng và cổ họng (do tiêu thụ quá nhiều rượu, bia), sâu răng (do ăn quá nhiều đường), bệnh gan (do uống nhiều bia, rượu...).

Tất nhiên, còn rất nhiều chứng bệnh khác có liên hệ với thực phẩm và phương cách ăn uống.
Để có kiến thức về ăn uống, tối thiểu chúng ta phải nắm được cơ cấu thực phẩm cần thiết cho cơ thể, biểu hiện qua tháp thực phẩm. Hiện có nhiều loại tháp thực phẩm 5 tầng, 4 tầng, 3 tầng... tùy vào các tổ chức xây dựng ra nó. Chẳng hạn, tháp thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Mỹ trước đây có 4 tầng nhưng hiện nay lại dùng tháp không chia tầng mà chỉ chia thành 6 màu, đại diện 6 nhóm thực phẩm khác nhau. Tháp thực phẩm ở Đan Mạch (năm 1978) chỉ có 4 tầng...

Tháp FOODcents
 
Vài tổ chức đang đề nghị dùng tháp 3 tầng và loại tháp này được xem là khá phù hợp cho lối sống hiện nay. Điển hình là FOODcents, một tổ chức được cấp phép của Bộ Y tế Úc. FOODcents đề ra tháp thực phẩm 3 tầng để hướng dẫn dân Úc đi chợ sao cho vừa có lợi về sức khỏe vừa tiết kiệm được túi tiền. Đây không phải là tháp dinh dưỡng chính quy nhưng là một gợi ý thiết thực và hợp lý cho sức khỏe mà chúng ta cần tham khảo.

Tháp thực phẩm 3 tầng của FOODcents phân loại thức ăn thành 3 nhóm, căn cứ theo giá trị dinh dưỡng mà chúng cung cấp. Cụ thể:

- Nhóm nên ăn thường xuyên: Gồm những nguồn thực phẩm chính để cung cấp năng lượng cho cơ thể, như chất xơ, các vitamin và khoáng chất. Nhóm này bao gồm trái cây, rau cải, đậu, bánh mì và ngũ cốc (lúa, mì, gạo...).

- Nhóm nên ăn chừng mực: Gồm những loại thực phẩm nên ăn thường xuyên nhưng số lượng cần hạn chế. Đây là những loại thực phẩm giàu protein như thịt nạc, gà, vịt, cá, các loại hạt, sữa, các sản phẩm chế biến từ sữa. Nhóm thực phẩm này cung cấp những chất dinh dưỡng mà chúng ta cần nhưng chỉ với hàm lượng thấp, như chất béo.

- Nhóm không nên ăn thường xuyên: Gồm những loại thực phẩm chứa nhiều muối, đường, chất béo.
Ba nhóm trong tháp thực phẩm FOODcents đại diện cho loại thực phẩm chứ không thể nói nhóm nào “có giá” hơn. Ví dụ, không phải nhóm 2 không tốt bằng nhóm 1 nhưng chúng nằm trong nhóm mà cơ thể không cần quá nhiều. Đáy tháp là nhóm 1, gồm những thực phẩm chúng ta nên ăn thường xuyên. Đỉnh tháp là nhóm 3, bao gồm các loại thực phẩm không nên ăn thường xuyên.
 
Blogger Templates